Nghiệm thu kết quả thực hiện dự án “Xây dựng mô hình xử lý phế, phụ phẩm nông nghiệp (rơm rạ, phân chuồng,…) thành phân bón hữu cơ tại tỉnh Sóc Trăng”

Hội đồng khoa học và công nghệ chuyên ngành họp nghiệm thu dự án
Phân hữu cơ thường được khuyến khích như là một chất dinh dưỡng cho đất, là nguồn dinh dưỡng để cải tạo đất trồng trọt, cung cấp mùn và chất dinh dưỡng. Nó cung cấp một môi trường phát triển hoàn hảo, hoặc đóng vai trò như là một vật liệu thấm xốp để giữ ẩm và hòa tan các khoáng chất, cung cấp sự hỗ trợ và các chất dinh dưỡng mà cây có thể phát triển, mặc dù nó ít khi được sử dụng riêng lẽ, nó được chủ yếu trộn với đất, cát, sạn, vỏ cây, chất khoáng, hoặc các hạt đất sét để sản xuất mùn. Phân hữu cơ có thể được canh tác trực tiếp vào đất hoặc bón vừa đủ để tăng mức độ chất hữu cơ và độ dinh dưỡng chung của đất.
Nhằm tận dụng nguồn phế, phụ phẩm nông nghiệp (rơm rạ, phân chuồng,…) làm nguồn nguyên liệu giàu dinh dưỡng cho nền nông nghiệp hữu cơ, đồng thời góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tăng lượng lớn chất dinh dưỡng, phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững. Từ tháng 12/2022 bằng nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ của tỉnh, Viện cây ăn quả Miền Nam triển khai thực hiện dự án “Xây dựng mô hình xử lý phế, phụ phẩm nông nghiệp (rơm rạ, phân chuồng,…) thành phân bón hữu cơ tại tỉnh Sóc Trăng”.
Trong khuôn khổ dự án, nhóm thực hiện dự án đã tiến hành các nội dung: Xây dựng mô hình sản xuất phân bón hữu cơ từ phế, phụ phẩm nông nghiệp (rơm rạ, phân chuồng…) tại tỉnh Sóc Trăng, quy mô 5 tấn phân bón hữu cơ/mô hình; Hoàn thiện quy trình sản xuất phân bón hữu cơ từ nguồn phế, phụ phẩm nông nghiệp (rơm rạ, phân chuồng…) tại tỉnh Sóc Trăng; Tổ chức 02 lớp tập huấn (30 người/lớp). Theo đó, đã xây dựng được Mô hình sản xuất phân bón hữu cơ từ phế, phụ phẩm nông nghiệp (rơm rạ, phân chuồng,…) tại Phường 7, thành phố Sóc Trăng với quy mô 05 tấn/mô hình, với Hàm lượng chất hữu cơ ≥ 20% ; hoàn thiện Quy trình sản xuất phân bón hữu cơ từ nguồn phế, phụ phẩm nông nghiệp (rơm rạ, phân chuồng,…), sản phẩm của quy trình đạt chất lượng theo QCVN 01-189:2019/BNNPTNT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng phân bón. Bên cạnh đó, còn tổ chức 02 lớp tập huấn về quy trình sản xuất phân hữu cơ từ phế phụ phẩm nông nghiệp (rơm rạ, phân chuồng) cho bà con nông dân tại Phường 7, thành phố Sóc Trăng và xã An Ninh, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng.
Kết quả thực hiện dự án đã hoàn thiện được quy trình sử dụng kết hợp các dòng vi sinh vật có lợi như: Trichoderma spp, Bacillus subtilis, Burkhoderia stropica, Enterobacter cloacea để xử lý phân bò và phế phụ phẩm nông nghiệp đã rút ngắn thời gian phân hủy còn lại 45 ngày, giảm nhanh sự phát sinh mùi hôi, ức chế được một số vi sinh vật gây bệnh như E.coli, Samonella, Coliform trong phân bò. Phân hữu cơ thu được có chất lượng tốt, đạt yêu cầu theo quy định sản xuất phân hữu cơ theo QCVN 01-189:2019/BNNPTNT. Quy trình sử dụng chế phẩm vi sinh để xử lý phân chuồng và phế phụ phẩm trong nông nghiệp đơn giản, dễ thực hiện, phù hợp với quy mô chăn nuôi trang trại cũng như quy mô hộ gia đình.
Theo đánh giá của Hội đồng khoa học và công nghệ chuyên ngành, kết quả thực hiện dự án đã đáp ứng được các mục tiêu đề ra. Hội đồng đánh giá kết quả thực hiện dự án đạt yêu cầu và đề nghị đơn vị chủ trì, Chủ nhiệm dự án chỉnh sửa, bổ sung, hoàn chỉnh Báo cáo tổng hợp kết quả thực hiện dự án và các sản phẩm của dự án theo ý kiến của các thành viên Hội đồng.
Tác giả: Trần Ngô Kim Phụng